0904255215

BẠN BIẾT GÌ VỀ LỐI SỐNG TIÊU DÙNG XANH CỦA THẾ HỆ GENZ?

Ngày đăng: 14/03/2022

Những năm gần đây, “tiêu dùng xanh” không còn là trào lưu mà đã trở thành lối sống tích cực được rất nhiều người hưởng ứng, nhất là giới trẻ.

Cốt lõi của lối sống này là hướng đến những điều bền vững, có lợi cho thiên nhiên, cho môi trường, vì thế, các sản phẩm thân thiện môi trường, sử dụng năng lượng mặt trời, đồ tái chế... đang được nhiều người lựa chọn và coi đó là “lựa chọn xanh” để bảo vệ môi trường sống, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Như một tín hiệu đáng mừng, các hoạt động “tiêu dùng xanh” gần đây được cả xã hội quan tâm và cùng nhau hành động, lan tỏa tinh thần sống tích cực vì môi trường. Đầu tiên là xu hướng tái sử dụng đồ dùng để hạn chế rác thải. Dẫn đầu xu hướng sử dụng bình, cốc tái sử dụng phải kể đến hãng Starbucks. Ai đã từng uống cà phê tại các cửa hàng của Starbucks chắc hẳn đã quen với những chiếc cốc sứ, cốc thủy tinh, cốc giữ nhiệt của hãng này. Chúng trở thành đồ vật “bất ly thân” mỗi khi ra ngoài, khi mua đồ “take away” của nhiều bạn trẻ. Đặc biệt, khi đến với Starbucks, nếu bạn cầm theo bình nước cá nhân như thế thì sẽ được giảm 10.000 đồng khi mua nước ở đây. Đó là hành động ý nghĩa thể hiện ý thức bảo vệ môi trường.

Bên cạnh hoạt động bảo vệ môi trường của các cửa hàng, doanh nghiệp và siêu thị lớn nhỏ, còn có rất nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực được lan tỏa, cho thấy “sống xanh” không còn là xu hướng mà đã trở thành thói quen, hành động của nhiều người trong công việc và cuộc sống. Quần áo cũ, không hợp mốt được các bạn trẻ lập trang Facebook chia sẻ, trao đổi đồ cho nhau nhằm giảm thiểu lượng rác thải. Những chai thủy tinh không bị vứt đi mà được hồi sinh dưới một hình dạng khác như đèn trang trí, lọ cắm hoa... Cùng với đó là các phong trào lan tỏa “lối sống xanh” mạnh mẽ trong cộng đồng như phong trào “Xóa chân rác - trồng vườn hoa”, “Thu gom pin hết hạn”, “Đổi giấy lấy cây”...

Vì vậy, để “tiêu dùng xanh” trở thành lối sống tích cực, cần có sự chung tay của toàn xã hội. Theo GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam: Để lan tỏa ý thức “sống xanh”, biện pháp quan trọng nhất là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của “tiêu dùng xanh” đối với môi trường sống và sức khỏe của con người. Các doanh nghiệp cần hướng mạnh về “sản xuất xanh”, trong đó ưu tiên giảm mức sử dụng năng lượng, chủ động cải tiến quy trình sản xuất, đổi mới công nghệ, phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo nhằm tiết kiệm tài nguyên, tiêu hao ít năng lượng, đặc biệt là ưu tiên sử dụng nguyên vật liệu đầu vào thân thiện với môi trường. Về phía Nhà nước, cần xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý, chính sách về “tiêu dùng xanh”; đưa ra các chính sách khuyến khích sản xuất “sản phẩm xanh”, “dịch vụ xanh”, phát triển những ngành nghề, lĩnh vực có áp dụng công nghệ sạch, đẩy mạnh “xanh hóa” sản xuất, ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, phát triển “công nghệ xanh”...

Với sự vào cuộc của toàn xã hội, chắc chắn xu hướng “tiêu dùng xanh” sẽ ngày càng lan tỏa và phát triển mạnh mẽ hơn, không chỉ đem lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, doanh nghiệp mà khi thực hành, chúng ta sẽ sống lành mạnh hơn, thư thái hơn khi mục tiêu cao cả là chọn “sống xanh”, “tiêu dùng xanh” vì cái chung, vì sự sống đích thực của con người.

Nguồn: kinhtexanh

Viết bình luận của bạn:

TÁC PHẨM ĐỘC ĐÁO CỦA CHÚNG TÔI

Hình ảnh sản phẩm độc đáo của chúng tôi đã bán ra thị trường