0904255215

NÓNG: VIỆT NAM THUỘC TOP 20 NƯỚC CÓ RÁC THẢI NHỰA LỚN NHẤT THẾ GIỚI VÀ ĐỨNG THỨ 4 VỀ LƯỢNG CHẤT XẢ THẢI RA BIỂN

Ngày đăng: 23/04/2022

Trung bình mỗi năm Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, nằm trong số 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình của thế giới, do việc quản lý và xử lý rác thải nhựa chưa triệt để.

Việc xã hội lạm dụng sử dụng sản phẩm nhựa, nhất là túi ni-lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa hiện rất nghiêm trọng, lượng chất thải nhựa hiện vẫn ở mức rất cao. Đây là một "gánh nặng" nghiêm trọng cho môi trường. Mỗi năm, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt là 25 triệu tấn nhưng chỉ có 30% được xử lý đốt hoặc sản xuất phân hữu cơ, hơn 70% chôn lấp trực tiếp. Trong đó, lượng chất thải nhựa và túi ni-lông chiếm khoảng 8%-12%; số lượng rác thải nhựa, túi ni-lông tăng dần theo từng năm.

Theo thống kê của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, lượng chất thải nhựa và túi ni-lông ở Việt Nam, chiếm khoảng 8%-12% chất thải rắn sinh hoạt nhưng chỉ có khoảng 11%-12% số lượng chất thải nhựa, túi ni-lông được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường. Đây có thể dẫn đến thảm họa môi trường, đặc biệt ô nhiễm đại dương.

Trong một nghiên cứu vừa được Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam công bố, kết quả khảo sát chỉ ra rằng các hộ gia đình có nhận thức về các vấn đề ô nhiễm nhựa tốt hơn nhóm doanh nghiệp và các công nhân thu gom rác thải. Công nhân thu gom rác còn có bày tỏ lo ngại về tác động của rác thải nhựa, trong khi doanh nghiệp dường như ít quan tâm đến thực trạng và tác động của ô nhiễm nhựa lên môi trường và sức khỏe. Sự khác nhau trong nhận thức sẽ gây khó khăn cho việc khuyến khích cộng đồng chung tay và có trách nhiệm với các vấn đề rác thải nhựa.

Theo các nhà chuyên môn, Việt Nam cần cụ thể hóa và triển khai các hoạt động liên quan trong phát triển kinh tế tuần hoàn gồm cách thức để gia tăng chuỗi giá trị của các sản phẩm nhựa, cũng như quản lý rác nhựa.

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo, rác thải nhựa chiếm khoảng từ 50% đến 80% lượng rác thải biển. Hiện Việt Nam là một trong những nước có lượng chất thải xả ra biển nhiều thứ 4 trên thế giới, với khối lượng khoảng từ 0,28 đến 0,73 triệu tấn/năm (tương đương khoảng 6% tổng chất thải nhựa được thải ra biển của thế giới).

Các chuyên gia nhận định nguồn gây ô nhiễm chính liên quan đến chất thải nhựa trên biển ở Việt Nam bao gồm nguồn thải trên đất liền và các nguồn thải trên biển, trong đó có hoạt động du lịch biển.

Theo Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương, đến năm 2030, Việt Nam sẽ giảm 75% rác thải nhựa đại dương; 100% số ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni-lông khó phân hủy; 100% các khu bảo tồn không còn rác thải nhựa.

Theo: vietnamnet

Viết bình luận của bạn:

TÁC PHẨM ĐỘC ĐÁO CỦA CHÚNG TÔI

Hình ảnh sản phẩm độc đáo của chúng tôi đã bán ra thị trường